Những cách không nên cư xử với bé

Sự nghiêm khắc quá mức trong giáo dục khiến đứa trẻ trở nên phụ thuộc. Chúng quen làm theo sai bảo, ra lệnh. Thái độ hiền lành bên ngoài có thể che giấu những khao khát bùng nổ, phản kháng bên trong.

Đánh đòn con: Chắc chỉ có ăn đòn con mới hiểu ra mọi việc

Có nhiều người khi tức giận lên thường tát lia lia hay đánh vào mông con liên hồi khi con trẻ chưa kịp hiểu lỗi của mình. Những vết hằn đỏ hay bầm tím không phải là quan trọng mà quan trọng là những vết thương tâm lý trong tâm hồn con trẻ. Mỗi cái đánh trong cơn giận dữ sẽ kiến trẻ nghĩ rằng nó không được yêu thương, nó không cần thiết và sự có mặt của nó là một điều tai họa với bố mẹ. Nhiều ông bố bà mẹ có quan niệm hết sức sai lầm về việc dạy con ghi nhớ lỗi bằng sự trừng phạt. Sự tàn ác sẽ làm nảy sinh ra sự tàn ác. Hãy nghĩ về điều đó trước khi bạn giơ tay giáng vào mặt con những cái tát.

Sự xa cách, vô tình: Mẹ đang mệt lắm, con đừng làm phiền mẹ

Từ chối những gần gũi, chia sẻ của con vào những lúc con cần thiết là một đặc điểm của các ông bố bà mẹ hiện đại. Khi đứa trẻ lại gần và yêu cầu bố mẹ chơi với nó, nó thường nhận được thái độ cau có, mệt mỏi hay thờ ơ: “Con tự chơi đi, để cho mẹ yên, mẹ mệt lắm rồi”. Khi luôn bị từ chối như vậy, trẻ sẽ không còn muốn giao tiếp với bố mẹ nữa, chúng trở nên trầm lặng, kín đáo, ít thổ lộ hay ngược lại hung dữ, thô bạo. Những đứa trẻ thường xuyên bị đẩy ra như vậy sẽ bắt đầu tìm những cách gỉai quyết vần đề của mình theo cách khác và vì thế chúng rơi vào những nhóm trẻ có vấn đề với xã hội.



Mâu thuẫn trong giáo dục con cái: Mẹ đồng ý, còn ba không đồng ý cho con đi chơi với bạn bè

Đây thường là sai lầm của những bậc cha mẹ không có quan điểm đồng nhất về giáo dục và vì thế, giống như hai người đắp tấm chăn nhỏ, họ sẽ co kéo để cái chăn về phía mình nhiều hơn. Họ mâu thuẫn nặng nề với nhau trong cả hành động lẫn lời nói và đứa trẻ không làm sao có thể làm cho cả cha lẫn mẹ được vừa lòng. Và vì thế nó phải tìm cách thích hợp với cả hai bên cùng một lúc.

Sự thờ ơ: Con muốn gì cũng được, mẹ không quan tâm

Sự thiếu quan tâm kiểm soát của cha mẹ sẽ khiến trẻ có cảm giác bị bỏ rơi và vì thế nó cũng sẽ dễ dàng rơi vào những nhóm trẻ có hành vi nổi loạn, chống đối nề nếp xã hội. Chúng sẽ lớn lên như những con sói hoang, không tin vào ai và cố gắng tồn tại xa cách tất cả.

Chuyên chế: Mẹ nói phải làm như thế nghĩa là con phải làm

Sự nghiêm khắc quá mức trong giáo dục khiến đứa trẻ luôn bị từ chối và cấm đoán sẽ cảm thấy bị căng thẳng thường xuyên. Nó sẽ không hiểu vì sao nó luôn phạm lỗi dù nó đã hết sức cố gắng. Kếu quả là đứa trẻ sẽ không có khả năng đánh giá mọi việc một cách khách quan. Chúng sẽ lớn lên với một thái độ sống phụ thuộc, bị nô lệ và thậm chí là gần như không còn cảm thấy trách nhiệm của mình với bất kỳ điều gì. Chúng quen làm theo sai bảo, ra lệnh. Thái độ hiền lành bên ngoài có thể che dấu những khao khát bùng nổ, phản kháng bên trong.

Làm thay con mọi điều: Con đưa mẹ đút cho, con đưa mẹ lau mũi cho, con đưa mẹ cột giây giày cho…



Và sau đó sẽ là: Để mẹ làm bài tập cho con, để mẹ chọn cô dâu cho con, để mẹ tìm việc làm cho con… và còn rất nhiều điều khác bạn muốn làm thay con. Những đứa trẻ lớn lên từ sự bảo bọc vô điều kiện đó sẽ không có khả năng tự quyết được điều gì, nó sẽ khó khăn để hòa nhập vào cuộc sống bên ngoài. Đa phần các bậc cha mẹ như thế này sẽ luôn cố gắng bao bọc con hết cả đời và kìm hãm sự phát triển của con.



Tình yêu chứ không phải sự nuông chiều

Nhiệm vụ đầu tiên và cơ bản nhất của bất kỳ người làm cha mẹ nào là phải xây dựng cho con trẻ niềm tin rằng nó luôn được yêu thương và cha mẹ luôn quan tâm đến nó. Tất nhiên là cha mẹ nào cũng yêu con và ít người suy nghĩ xem phải thể hiện điều đó như thế nào, bằng cách nào. Chính cách cha mẹ thể hiện tình yêu thương của mình sẽ ảnh hưởng lớn đến con cái.

Các nhà tâm lý học Mỹ đã đưa ra vài phương cách thể hiện tình yêu thương của mình cho các bậc phụ huynh:

- Giao lưu với trẻ bằng đôi mắt: Hãy luôn nhìn con trẻ bằng đôi mắt thoải mái, tự nhiên, thẳng thắn và ấm áp. Trong giai đoạn đầu, khi trẻ còn nhỏ, giao lưu bằng ánh mắt chính là một phương cách quan trọng nhất để truyền cho trẻ tình yêu thương của mình. Bạn càng nhìn trẻ nhiều bằng ánh mắt yêu thương, trẻ càng được thấm đẫm tình yêu đó.

- Giao lưu thể chất: Những động chạm dịu dàng, những cái ôm, bàn tay vuốt tóc nhẹ nhàng… Quan trọng là làm sao để những cái ôm và sự vuốt ve đó được tự nhiên, chân thành chứ không có vẻ biểu diễn hay làm quá.

- Sự chăm chú, gần gũi: Một sự tập trung cao độ những chú ý của mình khi ở bên con sẽ giúp trẻ hiểu rằng nó rất quan trọng và có ý nghĩa. Điều đó hết sức cần thiết cho sự phát triển lòng tự tin vào chính bản thân mình của trẻ.



- Kỷ luật: Đó chính là phương thức giúp trẻ trưởng thành chứ không phải là sự trừng phạt. Các bậc phụ huynh cần biết rằng kỷ luật mà họ đề ra không phải là cách để chính họ được thoải mái trong việc dạy dỗ trẻ mà là những bài học của trẻ cho cuộc sống của mình.

Tất cả những điều vừa kể trên đều quan trọng như nhau và các nhà khoa học khuyên các bậc phụ huynh sử dụng chúng trong mọi giai đoạn lớn lên và trưởng thành của con cái. Nhiều người cho rằng phải kiềm chế thể hiện tình yêu thương của mình, để con trẻ không trở thành những đứa trẻ nuông chiều, ích kỷ, tự mãn, hư hỏng. Ngược lại – những cá tính đó của con trẻ thường xuất hiện khi chúng thiếu thốn tình yêu hay chính xác hơn là khi bạn thay thế chúng bằng những món quà đắt tiền, chiều chuộng những đòi hỏi, nhõng nhẽo vô lối của trẻ.



Nguồn: Sức khỏe của bé